Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, sự phát triển của công nghệ gắn với những mô hình kinh doanh mới văn hóa doanh nghiệp trở thành một trong những vũ khí hữu hiệu giúp cho các doanh nghiệp không chỉ phát triển bền vững trên “sân nhà” mà còn vươn ra thị trường thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc của riêng mình.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chủ đề văn hoá doanh nghiệp trong bài viết ngày hôm nay.
Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp. Nó chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong tổ chức; tạo nên sự khác biệt và tạo nên truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp hình thành và phát triển song song gắn liền với quá trình phát triển của tổ chức. Nó không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả các giá trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành vi, thái độ của mọi thành viên. Vì vậy vai trò của văn hoá doanh nghiệp đối với tổ chức là vô cùng quan trọng.
Cấp độ đầu tiên – Giá trị văn hoá hữu hình của doanh nghiệp: Bao gồm các sự vật và sự việc mà nhân viên có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc với tổ chức như: logo, đồng phục, nội thất văn phòng,…Các yếu tố này dễ dàng thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa doanh nghiệp.
Cấp độ thứ hai – Các giá trị cốt lõi được tuyên bố: Là những giá trị được doanh nghiệp công bố rộng rộng rãi, có thể nhận biết ngay từ văn bản, cách diễn đạt và sự giới thiệu tới nhân viên mới. Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp đóng vai trò là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động.
Cấp độ thứ ba – Các tư tưởng, nhận định chung: Cấp độ này khó nhận ra và cũng khó điều chỉnh bởi chúng nằm sâu từ bên trong, ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết các thành viên và trở thành thói quen chi phối hành động. Ví dụ như: văn hoá giao tiếp, văn hoá xử lý xung đột, văn hóa đồng đội… Khi các thành viên cùng nhau chia sẻ và hành động theo văn hóa chung, họ sẽ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại làm ảnh hưởng xấu đến văn hoá doanh nghiệp.
Có nhiều cách để đánh giá thực trạng doanh nghiệp như trực tiếp lấy khảo sát phản hồi từ nhân viên hay đơn giản hơn là trực tiếp quan sát thực trạng hiện tại của doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp đang có các biểu hiện dưới đây thì doanh nghiệp chưa có văn hoá doanh nghiệp hoặc văn hoá đó đang sai hướng:
– Tuyển dụng nhân sự mới liên tục: Đây vừa là dấu hiệu của công tác quản lý nhân sự kém vừa là dấu hiệu của việc nhân viên hài lòng với doanh nghiệp.
– Tồn tại các thói quen xấu của cả quản lý và nhân viên: Hay đi làm trễ, hoàn thành deadline muộn, đến văn phòng đúng giờ nhưng bắt đầu làm việc muộn,…
– Ai làm việc đấy, không có sự tương tác qua lại và hỗ trợ nhau tại văn phòng
– Chia bè phái, nhân viên tụ tập theo từng nhóm nhỏ thì thầm to nhỏ nói xấu đồng nghiệp hoặc quản lý
– Mọi người không lên tiếng thảo luận về các ý tưởng trong các cuộc họp và ngay lập tức phấn khởi bàn tán sau lưng khi kết thúc cuộc họp.
Những biểu hiện này nếu để tiếp diễn lâu dài thì doanh nghiệp sẽ rất khó để vận hành hiệu quả, chất lượng công việc không đảm bảo và không thể giữ chân nhân sự giỏi.
Khi bắt đầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hãy nghĩ thật kỹ về những điều bạn muốn tạo nên, bắt đầu từ chính những thế mạnh và đặc điểm riêng của công ty bạn. Khi công ty phát triển dựa trên những sức mạnh có sẵn nhà lãnh đạo sẽ biết mình cần phải làm gì và làm như thế nào để mọi thứ tốt nhất.
Bạn có thể tham khảo 8 loại hình văn hóa đặc trưng trên thế giới, được Harvard Business Review phân biệt dựa theo 2 tiêu chí là sự tương tác giữa mọi người và khả năng phản ứng trước thay đổi, hình bên dưới thể hiện 8 loại hình đó:
Có rất nhiều yếu tố có thể góp phần hình thành văn hoá doanh nghiệp, tuy nhiên có thể kể đến những yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất như sau:
Triết lý quản lý và kinh doanh: Đây là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm những triết lý quản lý và kinh doanh cốt lõi nhất, căn bản nhất mà các lãnh đạo thống nhất với nhau. Đây là cơ sở xây dựng định hướng hoạt động của doanh nghiệp và chi phối các quyết định quản lý; là niềm tin, là giá trị bền vững không thay đổi bất chấp thời gian và sự thay đổi của ngoại cảnh.
Động lực của cá nhân và tổ chức: Yếu tố quan trọng thứ hai chính là các động lực thúc đẩy hành động của các cá nhân, và môi trường “động lực chung” của tổ chức. Các yếu tố động lực này ngoài thu nhập ra còn những động lực to lớn khác như: được tôn trọng, được trọng dụng, được thăng tiến, được quan tâm,… Chúng sẽ giúp nhân viên hài lòng với tổ chức và cống hiến hết mình.
Quy trình vận hành và nội quy của tổ chức: Đây là những yếu tố mang tính bắt buộc các thành viên cần phải thực hiện để duy trì sự nhất quán và nghiêm túc của tổ chức. Các hình phạt cho người vi phạm cũng nên cân nhắc vừa đủ răn đe.
Phong trào, nghi lễ, hoạt động nội bộ: Đây là những hoạt động giúp gắn kết mọi người trong doanh nghiệp, nhắc lại các giá trị cốt lõi và tuyên truyền về những quy tắc ứng xử chung mà các thành viên nên thực hiện.
Thành lập một đơn vị phụ trách xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp: Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần trực tiếp chỉ đạo và theo dõi quá trình triển khai tuy nhiên cũng có thể trao lại phần lớn quyền hạn cho bộ phận Nhân sự và Truyền thông nội bộ.
Công bố và truyền đạt văn hóa doanh nghiệp tới toàn bộ nhân viên: Sau khi ban hành quy định, quy chế chung, hãy tổ chức các buổi trò chuyện giữa lãnh đạo và tập thể nhân viên về giá trị văn hóa công ty kêu gọi hành động từ họ. Đừng quên đặt mình vào vị trí của nhân viên để thấu hiểu các trở ngại thay đổi và giải quyết chúng.
Thường xuyên có các hoạt động nội bộ để nhắc lại và nhấn mạnh văn hoá doanh nghiệp với các nhân sự của tổ chức.