Khi tìm hiểu về chuyển đổi số, nhiều chủ doanh nghiệp trở nên lo lắng khi phải đối diện với rất nhiều câu hỏi dưới cả góc độ kinh doanh và công nghệ. Chuẩn bị gì cho hành trình này? Tôi nên bắt đầu từ đâu? Tôi nên lựa chọn công nghệ nào? Trong bài viết  này, tôi muốn cùng chia sẻ 1 góc nhìn, 1 cách tiếp cận mở, mong nhận được các thảo luận thêm từ cộng đồng.

Nhu cầu chuyển đổi số đến từ đâu và hình thành khi nào?

Mọi chuyển đổi nếu có diễn ra trong doanh nghiệp cũng đều hướng tới đáp ứng nhanh nhu cầu của thị trường. Trong thời đại ngày nay, nhu cầu này biến đổi không ngừng dưới tác động to lớn của công nghệ. Công nghệ đã đang và sẽ tiếp tục có những tác động đáng kể, thay đổi hành vi người dùng ở mọi khía cạnh của cuộc sống: lối sống, chi tiêu, công việc…. Không nằm ngoài vòng xoáy này, công nghệ đang chi phối hoạt động của doanh nghiệp, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp thông qua quá trình chuyển đổi số. 

Chúng ta hãy cùng nhau xem xét 4 điểm khởi đầu cho hành trình chuyển đổi số:

Điểm đầu tiên – suy nghĩ về khách hàng

Điểm đầu tiên, khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần suy nghĩ về khách hàng của mình, đối tượng mà họ mong muốn phục vụ. 

Mọi hoạt động chuyển đổi số ngày này đặt khách hàng là trung tâm. Chắc chắn, sẽ không có một mẫu số chung cho hành trình chuyển đổi số của mỗi doanh nghiệp. Nhưng cách thức bắt đầu thì giống nhau, đó là việc thảo luận những câu hỏi dưới đây để xác định cái đích của sự chuyển đổi là gì:

–   Khách hàng mục tiêu – họ là Ai?

–   Họ có những hành vi, sở thích gì?

–   Cách họ tiếp nhận thông tin để ra quyết định mua hàng là gì?

–   Giá trị nào mà họ mong đợi nhận được?

–   Hành trình khách hàng của doanh nghiệp đang như thế nào? (phương thức phân phối giá trị tới khách hàng)

–   Phân đoạn nào trong hành trình này là chủ chốt?

–   Doanh nghiệp đang đáp ứng việc phân phối này như thế nào?

Những câu hỏi mở đầu này giúp các doanh nghiệp định rõ đối tượng mục tiêu hay khách hàng tiềm năng của mình. Quan trọng nhất ở giai đoạn này là lựa chọn 1 phân khúc khách hàng để phục vụ. Chân dung khách hàng càng rõ nét, doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội xây dựng 1 hướng đi đúng ngay từ đầu bởi suy cho cùng doanh nghiệp chẳng thể có 1 chiến lược tốt nếu không biết rõ về đối tượng mình sẽ phục vụ.

 

Điểm thứ hai – Quy trình phục vụ

 

Điểm thứ hai, đây là điểm vô cùng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi kinh doanh. Đó là xác định quy trình phục vụ (phân phối giá trị) tới tệp khách hàng mục tiêu. 

Quy trình phục vụ này chính là quy trình kinh doanh mới mà doanh nghiệp mong muốn xây dựng. Quy trình này là phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng như giá trị của doanh nghiệp tới tệp khách hàng mục tiêu. Nó được xây dựng xoay quanh hành trình của khách hàng, nó đảm bảo đáp ứng tốt nhất và tối ưu mọi điểm chạm với khách hàng trên hành trình mua hàng của họ. Một kế hoạch tốt giai đoạn này cần trả lời cho những câu hỏi sau:

–   Khách hàng đang tìm kiếm điều gì mà doanh nghiệp có thể đáp ứng tốt nhất?

–   Doanh nghiệp có thể gặp họ ở đâu?

–   Thông điệp gì doanh nghiệp muốn truyền tải?

–   Ở mỗi điểm chạm, khách hàng mong đợi điều gì? Doanh nghiệp đang cung cấp nó như thế nào?

Trải nghiệm những mốc quan trọng trong quy trình này là gì? Đối với khách hàng, đối với nhân viên nội bộ?

–   Đâu là điểm kích hoạt ra quyết định mua hàng?

Tập trung vào giai đoạn này giúp cho doanh nghiệp xây dựng 1 trải nghiệm khách hàng mà ở đó đem lại lợi thế cạnh tranh riêng, chỉ doanh nghiệp đó mới có.

 

Điểm thứ ba – Đánh giá đúng nội tại

 

Điểm thứ ba, doanh nghiệp cần đánh giá đúng hiện trạng kinh doanh, năng lực nhân sự và trình độ công nghệ của mình để từ đó vẽ ra con đường chuyển đổi. 

Đây cũng là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp. Dưới đây là những câu hỏi giúp doanh nghiệp điều tra sâu hơn về nội tại chính mình:

–   Đâu là việc doanh nghiệp đang làm tốt nhất, đóng góp nhiều nhất?

–   Bộ phận nào đang đóng vai trò chủ chốt trong việc phân phối giá trị?

–   Các sản phẩm đem lại doanh thu chính có tiếp tục nằm trong xu hướng? tiếp tục đem lại lợi nhuận bền vững?

–   Các nhân sự cốt cán sẵn sàng làm gương cho 1 hành trình chuyển đổi sắp tới?

–   Đâu là các điểm then chốt (trải nghiệm những mốc quan trọng) trong quy trình hoạt động của mỗi bộ phận, chúng đã được ứng dụng công nghệ? Nếu có, thì đã đáp ứng chưa?

–   Các công nghệ nào đang được sử dụng, chúng đã đủ linh hoạt đáp ứng thay đổi của môi trường?

–   Được/mất là gì nếu doanh nghiệp giữ nguyên mọi thứ (không cần chuyển đổi)

 

Nắm bắt thực trạng cũng chính là hiểu rõ mình đang ở đâu, đã có gì và tiếp tục trở thành cái gì nếu không có bất cứ sự thay đổi nào. Giai đoạn này doanh nghiệp xác định được vị trí của mình trong hành trình chuyển đổi số, cũng là điểm xuất phát trong hành trình này.

 

Điểm thứ tư – Công nghệ số và Tự động hóa

 

Điểm thứ tư, doanh nghiệp nghiên cứu đưa công nghệ vào giúp chuyển đổi hoạt động kinh doanh thông qua các quy trình kỹ thuật số mới, xây dựng quy trình kinh doanh mới hiệu quả hơn nhờ tự động hoá. 

Đó là một sự thay đổi cơ bản trong tổ chức nhằm mang lại trải nghiệm khách hàng mới, giá trị cho khách hàng của mình. Có những công nghệ tác động trực tiếp, tức thì nhưng cũng có những công nghệ đem lại giá trị gián tiếp, lâu dài. Công nghệ được lựa chọn sẽ xoay quanh quy trình phân phối giá trị mới mà doanh nghiệp xác lập ở điểm thứ hai, giải quyết những nút thắt, gia tăng tốc độ hoạt động và sự linh hoạt của tổ chức nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Một số câu hỏi mà doanh nghiệp cần tìm hiểu ở bước này:

–   Khâu nào là mấu chốt trong quy trình mới?

–   Công nghệ hiện tại đang đáp ứng được tới đâu? Có thể mở rộng để đáp ứng đầy đủ? Hay cần đầu tư mới?

–   Đâu là công nghệ triển vọng có thể đưa vào quy trình mới?

–   Công nghệ đó ứng dụng như thế nào?

–   Các yếu tố liên quan đến tính khả mở, an toàn, bảo mật, khả năng tích hợp và xu hướng đã được cân nhắc?

Xác định được công nghệ mới đáp ứng quy trình kinh doanh mới, hiểu được những vấn đề mà những nền tảng công nghệ hiện tại chưa khắc phục được, doanh nghiệp có thể đánh giá, lựa chọn được những gì phù hợp ở từng giai đoạn trên con đường chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, do đặc trưng hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp khác nhau, nên con đường chuyển đổi số cũng hoàn toàn không giống nhau. Học tập và áp dụng các nền tảng công nghệ mà những công ty tương tự trong ngành đã sử dụng chỉ là sự lựa chọn an toàn, không đem lại bất kỳ sự đổi mới nào trong tổ chức, và cũng không giúp doanh nghiệp xây dựng được lợi thế cạnh tranh trong thời đại ngày nay. 

Chuyển đổi số là một lựa chọn tiến tới và thay đổi nhận thức để từ bỏ những cái không còn phù hợp. Vì vậy, Lựa chọn con đường chuyển đổi số thuộc về mỗi doanh nghiệp, nhưng lựa chọn phù hợp chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp hiểu rõ chính mình, bắt đầu từ chính nội tại và định hình quy trình kinh doanh mới.

Share this post

Sử dụng Gmail để trải nghiệm tại đây

;